HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Tin hoạt động
Thứ hai, 05/11/2018 - 15:40

KHOA TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP – 55 NĂM, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Vào những ngày tháng này, toàn thể CBVC và sinh viên khoa Tài chính doanh nghiệp (TCDN) đang náo nức triển khai nhiều hoạt động thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 55 năm xây dựng và phát triển Học viện Tài chính và khoa TCDN. Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ qua có thể thấy Khoa TCDN đã có sự trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, cả về giảng dạy, NCKH đến các hoạt động bề nổi, cả về chiều sâu đội ngũ lẫn bề dày thành tích và truyền thống, làm cho những ai đã và đang là cán bộ, giáo viên, nghiên cứu sinh và sinh viên của khoa đều cảm thấy tự hào vì được là một thành viên của khoa TCDN - Một khoa có bề dày truyền thống của Học viện Tài chính.

1. Những dấu ấn thời gian, những mốc son lịch sử.

Khoa TCDN (tiền thân là khoa Tài vụ - Kế toán) được thành lập năm 1963, cùng với sự ra đời và phát triển của trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính). Các chuyên ngành thuộc Khoa quản lý và đào tạo lúc đầu bao gồm: Tài vụ Công nghiệp; Tài vụ Nông nghiệp; Tài vụ Xây dựng cơ bản; Tài vụ Thương nghiệp; Kế toán Công nghiệp; Kế toán Nông nghiệp; Kế toán Xây dựng cơ bản; Kế toán Thương nghiệp. Môn học Phân tích các ngành do giảng viên Bộ môn Tài vụ ngành đảm nhận.

Ban Giám đốc Học viện Tài chính và Tập thể CBVC khoa TCDN (10/2018)

Đầu năm học 1966-1967, Khoa Tài vụ - Kế toán tách ra thành 2 khoa: Khoa Tài vụ các ngành và Khoa Kế toán các ngành.

Từ học kỳ 2 năm học 1972-1973, Khoa Tài vụ các ngành hợp nhất với Khoa Tài chính Ngân sách thành Khoa Tài chính. Từ cuối năm học 1979-1980, Khoa Tài chính lại được tách ra thành 2 Khoa là Khoa Tài chính các ngành Kinh tế quốc dân (gọi tắt là Khoa Tài chính ngành) và Khoa Tài chính Ngân sách. Tháng 9/1990, Khoa Tài chính ngành tiếp nhận thêm hai Bộ môn mới là Bộ môn Tiền tệ - Tín dụng và Bộ môn Cấp phát - Cho vay đầu tư XDCB. Chuyên ngành Kho bạc Nhà nước hình thành và được nhà trường giao cho khoa Tài chính ngành trực tiếp quản lý, đào tạo.

Từ tháng 8/1992, Khoa Tài chính ngành tiếp nhận Bộ môn Bảo hiểm từ Khoa Tài chính Ngân sách. Các Bộ môn trong Khoa được sắp xếp lại thành: Bộ môn TCDN, Bộ môn Tiền tệ - Tín dụng và Bộ môn Bảo hiểm. Chuyên ngành Kho bạc Nhà nước  và Bộ môn Cấp phát - Cho vay đầu tư XDCB được chuyển giao về khoa Tài chính Ngân sách.

 Từ tháng 11/1994,Khoa Tài chính ngành được mang tên mới cho đến hôm nay - Khoa Tài chính doanh nghiệp.

Tháng 1/2002, cùng với sự ra đời của Học viện Tài chính, các Bộ môn: Bảo hiểm, Thị trường chứng khoán và Tiền tệ - Tín dụng tách ra khỏi Khoa TCDN hình thành nên Khoa mới: Khoa Ngân hàng - Bảo hiểm. Khoa TCDN được tổ chức lại bao gồm 3 Bộ môn: TCDN, Kinh tế các ngành SX và Quản lý kinh tế.

Từ đầu năm học 2003-2004, Bộ môn Kinh tế các ngành sản xuất và một số giáo viên Bộ môn TCDN được Học viện điều chuyển sang làm nòng cốt của Bộ môn mới: Bộ môn Định giá tài sản và Kinh doanh bất động sản (gọi tắt là Định giá tài sản) và  khoa mới: Khoa Quản trị Kinh doanh. Khoa TCDN tiếp nhận Bộ môn Phân tích TCDN từ khoa Kế toán chuyển sang.

Bước vào năm học 2004-2005, Bộ môn Quản lý kinh tế được điều chuyển sang khoa Quản trị Kinh doanh. Khoa TCDN tiếp nhận trở lại Bộ môn Định giá tài sản từ khoa Quản trị Kinh doanh.

Hiện nay, Khoa TCDN có 3 Bộ môn: TCDN, Phân tích TCDN, Định giá tài sản. Các bộ môn trong khoa hiện đang giảng dạy 8 môn học, trực tiếp quản lý đào tạo 3  chuyên ngành: TCDN, Phân tích tài chính, Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản.

Đại diện BCN khoa TCDN tặng hoa tri ân các Thầy Cô nguyên là Lãnh đạo khoa các và giảng viên các bộ môn của khoa các thời kỳ trong ngày kỷ niệm 20-11.

Đội ngũ giảng viên của khoa đã tham gia đào tạo hàng chục vạn cán bộ quản lý tài chính  trình độ ĐH, SĐH cho đất nước và cho các nước bạn Lào, Căm pu chia. Những năm gần đây, mỗi năm khoa cung cấp cho nền kinh tế từ 600 – 800 sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy các chuyên ngành do khoa quản lý. Khoa TCDN đã tham gia đào tạo hàng nghìn Thạc sĩ kinh tế và hàng trăm Tiến sĩ chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng cho đất nước. Chỉ tính riêng giai đoạn  từ 01/2001 – 08/2018 đã có gần 100 NCS sinh hoạt chuyên môn tại các BM trong khoa đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kinh tế. Nhiều cựu sinh viên, cựu nghiên cứu sinh các chuyên ngành của khoa đã trưởng thành vượt bậc, được giao những trọng trách trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của đất nước, như: Nguyên Phó Thủ tướng- Vũ Văn Ninh (cựu sinh viên C10.04); Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (cựu sinh viên K14.04A); Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội- Nguyễn Đức Hải (cựu sinh viên K16.04B); Bí thư tỉnh uỷ Nam Định- Đoàn Hồng Phong (cựu sinh viên K19.04E); Tổng Kiểm toán Nhà nước- Hồ Đức Phớc (cựu sinh viên D21.04D; Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh Hà Giang - Nguyễn Văn Sơn (cựu sinh viên K4.11A), Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục 8 Bộ Công an (cựu sinh viên K18.04A); Đỗ Việt Đức –Tổng cục trưởng Tổng cục dự trữ quốc gia (cựu sinh viên D24.14); Thiếu tướng, Tiến sĩ Lưu Sỹ Quý - Cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng (cựu nghiên cứu sinh); Đặng Phan Tường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Việt Nam (cựu sinh viên D20.04A); Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (cựu nghiên cứu sinh); Trần Văn Tuấn - TGĐ Tổng công ty Sông Đà (cựu sinh viên D23.12); Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nam - Trưởng ban Tài chính Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam (cựu sinh viên D20.04D) và rất nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng, Giám đốc Sở, Trưởng Ban tài chính; Kế toán trưởng các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; nhiều PGS,TS và nhà khoa học, nhà quản lý có tên tuổi là cựu sinh viên hoặc nghiên cứu sinh của khoa TCDN.

Lễ Bế giảng và trao bằng tốt nghiệp luôn được tổ chức trang trọng, để lại ấn tượng sâu sắc đối với sinh viên trước khi ra trường

Do những đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành Tài chính và sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước, khoa TCDN đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý :

- Tập thể khoa được Chủ tịch nước trao tặng HCLĐ hạng 3 (năm 2004); HCLĐ hạng 2 (năm 2010); hai lần được Bộ Tài chính tặng cờ thi đua vào năm học 2006-2007 và 2008-2009.

- 2 Bộ môn TCDN, Phân tích TCDN và 8 giảng viên của Khoa vinh dự được Nhà nước trao tặng HCLĐ hạng 3; 1 giảng viên của khoa được tặng HCLĐ hạng 3 của chính phủ Lào. Hàng chục cán bộ, giảng viên của khoa được tặng Bằng khen Thủ tướng, Bằng khen Bộ trưởng, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, Vì sự nghiệp Tài chính; 1 thầy giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân; 6 thầy cô được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú v.v. Chi bộ khoa và 3 đảng viên của Chi bộ được tặng Bằng khen của Đảng uỷ khối cơ quan trung ương; Công Đoàn khoa 2 lần được tặng Bằng khen của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Liên chi đoàn Khoa và nhiều cán bộ đoàn viên được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn, của Thành đoàn Hà Nội.

2. Sự trưởng thành và phát triển vượt bậc về đội ngũ:

Bảng 1: Cơ cấu đội ngũ giảng viên khoa TCDN các thời kỳ

Năm

Số CBVC

PGS,TS

Tiến sĩ/PTS

Thạc sĩ

Cử nhân

Tổng số

GV

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

1963

10

9

0

0

0

0

0

0

9

100,00

1981

19

17

0

0

1

5,88

0

0

16

94,12

2008

35

33

1

3,03

7

21,21

14

42,42

11

33,33

2018

45

43

6

13,95

19

44,19

18

41,86

0

0

Qua số liệu bảng 1 có thể thấy: 55 năm qua, đội ngũ giảng viên Khoa TCDN không ngừng trưởng thành và lớn mạnh.

Vào lúc thành lập (1963), toàn khoa chỉ có 9 người, không ai có trình độ sau và trên đại học thuộc các tổ bộ môn: Kế toán Công nghiệp, Tài vụ Công nghiệp và Kế toán xây dựng cơ bản.

Thời điểm tái lập khoa TCDN (năm 1981) lực lượng giảng viên đã tăng gần gấp 2 lần; tuy vậy, chỉ có 1 giảng viên có trình độ Phó Tiến sĩ (5,88%), 16 giảng viên (94,12%) còn lại có trình độ Cử nhân.

27 năm sau khi tái lập (2008), Khoa đã có sự biến đổi mạnh mẽ về chất với 66,67% giảng viên có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ; trong đó có 8 giảng viên là PGS,TS và Tiến sĩ (24,24%); số giảng viên có trình độ ở bậc cử nhân giảm xuống chỉ còn 33,33%.

Hội thảo khoa học giáo viên ở khoa TCDN luôn diễn ra hết sức sôi nổi.

Hiện nay (09/2018), tổng số cán bộ viên chức cơ hữu của Khoa đã lên tới 45 người; gồm 2 cán bộ văn phòng khoa và 43 giảng viên cơ hữu. 100% giảng viên của khoa đều có trình độ Sau đại học; trong đó: 55,81% giảng viên có trình độ PGS,TS và TS. Với 06 giảng viên là PGS,TS (13,95%); 19 Tiến sĩ (44,19%); 10 giảng viên cao cấp và giảng viên chính (23,26%) – Khoa TCDN là một trong những khoa chuyên ngành có chiều sâu về đội ngũ giảng viên nhất của Học viện Tài chính. Bên cạnh đó, Khoa hiện có 15 giảng viên đang làm NCS (có 3 NCS ở nước ngoài); Như vậy, chỉ sau 3 đến 4 năm nữa, số giảng viên có trình độ Tiến sĩ và PGS,TS của khoa sẽ đạt tỷ lệ rất cao: 93%. Đặc biệt, khoa TCDN có tỷ lệ giảng viên đi tu nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ ở nước ngoài về thuộc loại cao nhất của Học viện Tài chính: 34%. Hiện nay, 13 giảng viên của khoa có thể đảm nhiệm giảng dạy môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng tiếng Anh. Bộ môn TCDN đã đưa vào giảng học phần TCDN bằng tiếng Anh từ khoá 46 cho sinh viên các lớp chuyên ngành. Số sinh viên chuyên ngành của khoa viết luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh tăng nhanh qua các năm: từ 6 sinh viên (CQ50/11), lên 18 sinh viên (CQ51/11) và 36 sinh viên (CQ52/11) đã minh chứng hùng hồn cho khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ quản lý tài chính trong thời kỳ hội nhập của đội ngũ giảng viên các Bộ môn thuộc khoa TCDN, Học viện Tài chính. Đây là tiền đề và cơ sở quan trọng để Học viện Tài chính giao cho khoa quản lý đào tạo sinh viên theo chương trình đào tạo chất lượng cao với 2 chuyên ngành TCDN (từ năm 2016) và Phân tích tài chính (từ năm 2018).

Sinh viên CQ54 chuyên ngành TCDN đào tạo theo chương trình chất lượng cao đi thực tế tại công ty IBM tại Hà Nội

3. Thường xuyên đổi mới và cập nhật nội dung và chương trình đào tạo.

Nội dung và chương trình đào tạo các môn học của khoa TCDN thường xuyên được đổi mới, cập nhật và điều chỉnh theo hướng bám sát các kiến thức tinh hoa của thế giới và đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ quản lý Kinh tế - Tài chính của đất nước trong từng thời kỳ.

Trong thời kỳ nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung, các giáo trình - bài giảng luôn bám sát và truyền tải kịp thời những chính sách, chế độ mới trong quản lý tài chính của nhà nước đối với các ngành kinh tế quốc dân. Vì vậy, trong giai đoạn này Khoa TCDN tổ chức thành các bộ môn nghiệp vụ theo ngành kinh tế (Tài chính Công nghiệp, Tài chính Nông nghiệp, Tài chính XDCB và Tài chính Thương nghiệp - Dịch vụ), thực hiện đào tạo cán bộ quản lý tài chính chuyên sâu trong các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế quốc dân; quy mô sinh viên đào tạo hệ chính quy từng chuyên ngành hàng năm do Nhà nước phân bổ, sinh viên tốt nghiệp do Nhà nước phân công công tác.

Lãnh đạo khoa, Bộ môn và các thầy cô giáo cùng các sinh viên lớp D22-04B trước khi đi thực tập tốt nghiệp (12/1987).

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 (1986) đánh dấu mốc son: Nền kinh tế chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo. Giáo trình “Tài chính doanh nghiệp sản xuất” của tập thể giảng viên Bộ môn TCDN do GS,TSKH Trương Mộc Lâm làm chủ biên (xuất bản năm 1987) được ghi nhận là cuốn giáo trình đầu tiên của trường ĐH Tài chính - Kế toán được biên soạn lại với sự đổi mới mạnh mẽ có tính tiên phong, có tầm nhìn xa và cập nhật những kiến thức hiện đại về quản lý Kinh tế - Tài chính trong các công ty, doanh nghiệp của các nước kinh tế thị trường phát triển. Trong các lần biên soạn lại vào các năm 1998, 2007, 2013 và 2015: giáo trình TCDN  vẫn giữ được tư tưởng chủ đạo: thường xuyên cập nhật, bổ sung những kiến thức mới và bám sát nhu cầu của thực tiễn quản lý tài chính trong các doanh nghiệp. Thay vì diễn giải chế độ chính sách cụ thể của nhà nước trong quản lý kinh tế thì giáo trình tập trung vào hình thành cho người học phương pháp tư duy về căn cứ và cách thức lựa chọn phương án tối ưu phục vụ cho việc đưa ra các quyết định TCDN trong thực tế quản lý có thể gặp phải. Đây là một trong các yếu tố góp phần hình thành nên ưu điểm nổi bật của sinh viên chuyên ngành và khoa TCDN là rất vững vàng về bản lĩnh, luôn có tính năng động (Dynamic), khả năng phát huy cao độ tính sáng tạo của nhà quản trị trước những thời cơ và thách thức mới do thực tiễn quản lý và đời sống đặt ra. Đây là những phẩm chất của ứng viên mà nhiều nhà tuyển dụng đến từ các ngân hàng, doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty rất ưa chuộng.

Ngoài việc thiết kế các khối kiến thức phục vụ thuận lợi cho việc giảng dạy và học tập theo phương thức tín chỉ, các Bộ môn trong khoa còn thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, thống nhất nội dung, chương trình giảng dạy; tổ chức hội thảo về những nội dung có tính chất giao thoa giữa các môn học. Điều này không những giúp cho các giảng viên trẻ nhanh chóng nắm bắt, làm chủ kiến thức môn học, mà còn tạo điều kiện để giảng viên các Bộ môn có cơ hội trao đổi quan điểm của mình về những vấn đề lý luận khoa học dưới góc độ tiếp cận khác nhau.

Không chấp nhận bằng lòng với những gì đã có, tập thể giảng viên các bộ môn thuộc khoa TCDN luôn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, biên soạn thêm giáo trình của các môn học mới như: TCDN bằng tiếng Anh; thị trường bất động sản; Thẩm định giá tài sản; Thẩm định giá máy móc, thiết bị; Phân tích kinh tế; Phân tích tài chính;.. góp phần duy trì bản sắc riêng có của một khoa giàu truyền thống trong việc đào tạo sinh viên chuyên ngành có thể đáp ứng tốt nhu cầu trong thực tiễn ở nhiều vị trí việc làm khác nhau.

Tổ chức “Giao lưu các thế hệ sinh viên” nhằm tiếp lửa truyền thống sinh viên của khoa và Học viện

Định hướng đúng đắn của BCN khoa và lãnh đạo các Bộ môn trong khoa thể hiện ở sự tiếp nhận và phản hồi của các cơ quan, đơn vị sử dụng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành của khoa TCDN. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh bất động sản (nay là Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản) đảm bảo 100% có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Chuyên ngành TCDN: gần 99% có việc làm đúng và gần đúng ngành đào tạo sau 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Chuyên ngành Phân tích tài chính mới mở nhưng khá đông sinh viên đăng ký lựa chọn theo học. Thu nhập phổ biến của sinh viên tốt nghiệp sau khi có việc làm là từ 9 – 12 triệu đồng/tháng. Nhìn danh sách Cựu sinh viên TCDN thành đạt có thể thấy không thiếu trên bất kỳ lĩnh vực nào: từ Bộ - Sở - Cục Tài chính, Tổng cục - Cục Thuế, Hải quan, Ngân hàng, Kiểm toán, Viện Kiểm soát, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà lập pháp, nhà chính trị,v.v. Tất cả các thành viên của khoa TCDN: từ lãnh đạo Khoa, Bộ môn tới giảng viên, cán bộ VPK đều hiểu rằng: đó là thành quả của cả một quá trình phấn đấu, làm việc nghiêm túc của nhiều thế hệ mà những người hôm nay cần phải có trách nhiệm tiếp tục duy trì thương hiệu “TCDN” và nâng cao giá trị của hình ảnh và thương hiệu này.

Thầy trò các thế hệ khoa TCDN trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 

 

4. Công tác NCKH được coi trọng và ngày càng phát triển cả chiều sâu và chiều rộng.

Bảng 2: Khối lượng NCKH & học tập bồi dưỡng khoa TCDN giai đoạn 2012-2018

Giai đoạn

Số đề tài KH đã thực hiện

Số bài báo khoa học

Giáo trình, sách chuyên khảo

Số công trình NCKHSV hướng dẫn

Số GV bảo vệ LATS

2008-2011

...

...

...

...

4

2012-2013

14

35

2

35

3

2013-2014

15

43

2

31

1

2014-2015

23

84

4

40

3

2015-2016

21

81

5

45

0

2016-2017

30

92

6

54

2

2017-2018

28

79

6

46

6

Cộng

131

414

25

241

19

Trong môi trường của một trường đại học khối kinh tế chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng, công tác NCKH ở khoa TCDN luôn được đề cao. Trong giai đoạn trước khi thành lập Học viện Tài chính (2001), do sự hạn chế về lực lượng cán bộ khoa học có trình độ nên công tác NCKH ở khoa TCDN còn khá  khiêm tốn. Các đề tài NCKH chủ yếu ở cấp khoa, bộ môn nhằm giải quyết những vấn đề về chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của công tác giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên, như biên soạn giáo trình các môn học, hoặc hệ thống hoá các chế độ, chính sách của nhà nước về quản lý TCDN. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong suốt giai đoạn từ lúc tái lập khoa đến dịp kỷ niệm 45 năm thành lập trường (1981-2008), các giảng viên khoa TCDN đã tham gia 2 đề tài cấp Nhà nước, chủ trì 2 và tham gia 6 đề tài cấp Bộ; ngoài ra, còn là chủ nhiệm của 7 đề tài cấp trường với đạt kết quả loại Khá, giỏi và Xuất sắc.

Giảng viên trẻ của khoa tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ

Giai đoạn 2008-2018 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về công tác NCKH của khoa TCDN. Độ chín về mặt chuyên môn của đội ngũ giảng viên – các nhà khoa học trẻ cộng với định hướng khuyến khích hoạt động NCKH của Đảng uỷ, BGĐ đã thúc đẩy phong trào NCKH và hoạt động học tập bồi dưỡng trong đội ngũ giảng viên của khoa. Nếu như cả giai đoạn 2001-2007 chỉ có 3 giáo viên của khoa hoàn thành bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp nhà nước, thì giai đoạn 2008-2018 có tới 19 giảng viên bảo vệ luận án Tiến sĩ (trong đó, có 4 bảo vệ luận án giai đoạn 2008 – 2011 và 15 bảo vệ luận án giai đoạn 2012-2018); Đặc biệt, trong giai đoạn này có 6 giảng viên của khoa  được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư. Ngoài ra, chỉ tính trong mấy năm gần đây (từ 2012-2018), các giảng viên khoa TCDN đã hoàn thành và nghiệm thu: 5 đề tài cấp Bộ; 126 đề tài cấp Học viện; viết và đăng tải 414 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và Kỷ yếu các Hội thảo, hội nghị khoa học các cấp; nhiều giảng viên có bài báo bằng tiếng Anh; đặc biệt, 1 số giảng viên đã có báo cáo khoa học trình bày tại Hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại Việt Nam và Thái Lan; 25 đầu sách tham khảo, chuyên khảo và giáo trình các môn học trong khoa đã được biên soạn trong giai đoạn này.

Hội thảo khoa học “Giám sát tài chính đối với DNNN...” năm 2016 do khoa TCDN chủ trì về nội dung đã gây tiếng vang và sức hút lớn.

Việc tổ chức các buổi hội thảo khoa học ở khoa TCDN đã được thay đổi theo hướng: mở rộng về phạm vi đại biểu tham dự, nâng cao tầm của chủ đề hội thảo và nhất là luôn coi chất lượng hội thảo là mục tiêu hàng đầu. Các hội thảo khoa học do khoa TCDN tổ chức như: “Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp trong tiến trình cổ phần hoá”- năm 2015; “Giám sát tài chính đối với DNNN và DN có vốn nhà nước tại Việt Nam”- năm 2016; “Xác định giá trị doanh nghiệp - Từ lý luận đến thực tiễn” - năm 2017; “Tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”- năm 2018: đều có sức hấp dẫn lớn, thu hút sự tham gia viết bài và tranh luận tại hội thảo của nhiều nhà khoa học đến từ các Học viện và trường đại học tên tuổi, các viện nghiên cứu có uy tín, hoặc các nhà quản lý đến từ các doanh nghiệp, các Tập đoàn kinh tế lớn, các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, đại diện các tổ chức xã hội về nghề nghiệp. Hội thảo khoa học năm 2016 về “Giám sát tài chính đối với DNNN và DN có vốn nhà nước tại Việt Nam” được nâng thành Hội thảo khoa học cấp Học viện tổ chức tại Khách sạn Thắng Lợi đã thu hút sự quan tâm và tham gia của các diễn giả đến từ Văn phòng Quốc hội, Ban kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu QLKT Trung ương, Cục TCDN- Bộ Tài chính, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, nhiều trường đại học, các Tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam, cũng như phóng viên nhiều báo, đài đến đưa tin, ghi hình.

Một số giảng viên trẻ của khoa tại Hội thảo Quốc tế ICYREB tổ chức tại Học viện Tài chính (tháng 10/2018).

Công tác NCKH trong sinh viên khoa TCDN cũng đạt được những kết quả rất khả quan. Trong vòng 6 năm từ năm học 2012-2013 tới 2017-2018 các giảng viên của khoa đã hướng dẫn sinh viên thực hiện 241 công trình NCKH dự thi cấp khoa và cấp Học viện, nhiều công trình dự thi cuộc thi Olimpic kinh tế lượng toàn quốc với kết quả nhiều công trình đạt giải cao cấp Bộ, cấp trường. Các cuộc Hội thảo khoa học của sinh viên khoa TCDN gây ấn tượng mạnh không chỉ ở chủ đề hội thảo là những vấn đề có tính thời sự cao, ở số lượng sinh trong và ngoài khoa tham dự, mà còn ở chỗ luôn đổi mới về cách làm theo hướng: HTKH sinh viên phải là hội thảo của sinh viên, do sinh viên tổ chức thực hiện và vì sinh viên. Hội đồng khoa học khoa chỉ đóng vai trò cố vấn về chuyên môn.

5. Các sự kiện và hoạt động của khoa được tổ chức có tính chuyên nghiệp cao.

 

Khoa TCDN luôn giữ được vị thế là khoa có phong trào sinh viên rất sôi nổi, với những hoạt động đã trở thành thương hiệu như: Cuộc thi “Giám đốc tài chính tương lai – CFO” đã qua 12 lần tổ chức; cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc, vũ đạo sinh viên “Hot Star” tổ chức 2 năm 1 lần; CLB “Kỹ năng kinh doanh – BSC” với vòng chung kết “Khởi nghiệp trong tôi” thu hút các đội chơi đến từ hàng chục trường ĐH trên địa bàn thành phố Hà Nội; cuộc thi “Phân tích đầu tư tài chính” thành công vang dội ngay lần đầu tổ chức.

“Giám đốc tài chính tương lai – CFO” - Một trong số những sự kiện có tính thương hiệu cao của sinh viên khoa TCDN

Hội thảo KH sinh viên hàng năm của khoa luôn thu hút hàng trăm bài viết của các sinh viên trong và ngoài khoa tham gia; khoa TCDN luôn là khoa có số công trình NCKH dự thi cấp khoa và cấp Học viện nhiều nhất với nhiều công trình đạt giải cao cấp Học viện và cấp Bộ GD-ĐT. Các sự kiện: tổ chức bế giảng và trao bằng tốt nghiệp; Chương trình Chào Tân sinh viên; Giao lưu định hướng nghề nghiệp với cựu sinh viên và các nhà tuyển dụng; CFO; v.v. luôn được tổ chức một cách trang trọng, chuyên nghiệp, chặt chẽ và chính xác, để lại ấn tượng tốt trong lòng sinh viên và các đại biểu tham gia. Vì vậy, các sự kiện hoạt động liên quan đến sinh viên của khoa TCDN luôn có sức hút đối với các đơn vị tài trợ đến từ các doanh nghiệp, các Tập đoàn, TCT nhà nước, các ngân hàng, các tổ chức xã hội về nghề nghiệp trong việc tham gia tài trợ, đồng tài trợ kinh phí, đồng hành với khoa trong việc tổ chức các sự kiện mang đến nhiều lợi ích cho các sinh viên. Một điều rất riêng có ở khoa TCDN đó là tất cả các sự kiện do khoa và liên chi đoàn khoa tổ chức đều được viết bài truyền thông một cách cẩn thận, có chất lượng đưa lên website của Học viện và của Khoa, cũng như kênh thông tin khoa TCDN. Các bài truyền thông của khoa TCDN luôn có sức hút lớn với các độc giả kỹ tính, kén thông tin và khắt khe trong đánh giá; nhiều bài viết thu hút hàng vạn người đọc. Không thoả mãn với những gì đã có, sau mỗi sự kiện, Ban tổ chức đều tiến hành rút kinh nghiệm kịp thời những mặt được, chưa được, cải tiến cách làm để lần sau tổ chức có chất lượng cao hơn.

“Phân tích đầu tư tài chính”- Cuộc thi tổ chức lần đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi

Yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự thành công trong việc tổ chức các sự kiện và hoạt động của khoa chính là việc khoa chủ động hoàn toàn trong việc hoạch định thời gian, kế hoạch và mục tiêu trong tổ chức các sự kiện và hoạt động. Vào đầu năm học, BCN khoa đã vạch ra kế hoạch về các sự kiện sẽ tổ chức trong cả năm học và trong từng thời kỳ, chủ động triển khai các công việc chuẩn bị, vì vậy, không hề bị động khi Học viện triển khai. Ví dụ, việc triển khai cho các lớp sinh viên năm cuối làm các clip về lớp mình phục vụ cho lễ phát bằng được triển khai ngay từ khi sinh viên đi thực tập tốt nghiệp. Khoa chủ động đăng ký thời gian tổ chức bế giảng, lập hồ sơ tài trợ, chủ động vận động các đơn vị tài trợ,v.v. Nhờ đó, công tác tổ chức lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp của khoa TCDN luôn được tổ chức một cách rất trang trọng, xúc động, hoành tráng và rất công phu trong điều kiện khoa tự huy động hầu hết kinh phí tài trợ cho buổi lễ bế giảng của mình.

Thầy trò cùng chung tay viết tiếp những trang sử truyền thống của khoa

 

*Thay cho lời kết.

Nhìn lại chặng đường 55 năm qua, chúng ta có quyền tự hào bởi mỗi thành viên dù là cán bộ, giáo viên, sinh viên hay nghiên cứu sinh đã đóng góp phần công sức bé nhỏ của mình vào sự trưởng thành và lớn mạnh của khoa TCDN. Tuy vậy, trong điều kiện thế giới luôn vận động và phát triển, yêu cầu đào tạo cán bộ quản lý tài chính chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp thế hệ thứ tư và trong điều kiện Học viện Tài chính chuyển dần sang thực hiện tự chủ về tài chính và tự chủ về đào tạo đã đặt ra trước toàn thể CBVC và sinh viên khoa TCDN những thời cơ và thách thức mới, đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực vượt qua. Hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, sự định hướng đúng đắn của chi bộ khoa và sự tận tình, tâm huyết của đội ngũ CBGV, sinh viên trong khoa, nhất định khoa TCDN Học viện Tài chính sẽ tiếp tục phát triển vươn lên những tầm cao mới; góp sức, chung tay cùng các khoa, ban khác của Học viện xây dựng Học viện Tài chính trở thành trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và trên thế giới về quản lý tài chính - kế toán. Ngày đó sẽ không còn xa nữa.

 

 BAN CHỦ NHIỆM KHOA TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

Số lần đọc: 316
Các bài đã đăng