HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Tin hoạt động
Thứ hai, 18/03/2019 - 20:6

KHOA TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP TỔ CHỨC DU XUÂN KỶ HỢI

Nhân dịp đầu xuân hàng năm, Ban chủ nhiệm Khoa Tài chính doanh nghiệp (TCDN) thường phối hợp với BCH Công đoàn Khoa tổ chức cho CBVC du xuân nhằm tăng cường giao lưu, gắn kết, tạo không khí vui tươi, phấn khởi khi bước vào năm mới cho toàn thể cán bộ, giáo viên trong khoa, cũng như phát triển quan hệ giữa khoa với các đơn vị, tổ chức bên ngoài. Điểm đến của chuyến du xuân của Khoa năm nay là đền Trần, đền Đồng Bằng và chùa Keo - các di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Mặc dù thời gian chuyến đi không dài, nhưng đã để lại nhiều ấn tượng rất sâu sắc về tình đất, tình người ở vùng đất quê lúa.

Đoàn CBVC khoa TCDN trước cổng chính khu di tích Đền Trần Thái Bình

Điểm đến đầu tiên của đoàn trên chuyến hành trình về Thái Bình là di tích Đền Trần (Hưng Hà, Thái Bình). Được tin có đoàn cán bộ giáo viên của Học viện Tài chính về thăm di tích đền Trần, đồng chí Vũ Kim Cứ - Bí thư huyện uỷ Hưng Hà, Cựu sinh viên D23/11 của Học viện, mặc dù bận đi họp trên thành phố, song vẫn quan tâm nắm bắt lịch trình của đoàn và trực tiếp chỉ đạo việc bố trí đón tiếp, cử người hướng dẫn đoàn đi thăm quan và giới thiệu cho đoàn từng di tích trong quần thể di tích đền Trần một cách cặn kẽ.  

Các thành viên trong đoàn chăm chú lắng nghe Hướng dẫn viên  giới thiệu về di tích Đền Trần

Di tích Đền Trần là một quần thể di tích gồm các đền thờ, lăng mộ thờ các vị vua, quan nhà Trần được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia Đặc biệt. Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích, dựng nghiệp đế vương của vương triều nhà Trần tại Việt Nam vào thế kỷ XIII (còn gọi là Thái Đường Lăng) thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Trên diện tích 5.175 m2, đền thờ các vua Trần và Đức thánh Trần Hưng Đạo được xây dựng công phu, uy nghi bề thế toạ lạc nằm ở trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục là: toà hậu cung, toà bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hoá vàng, ba ngôi mộ của các vị vua anh minh, tuấn kiệt: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông cùng một số công trình kiến trúc liên quan. Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian như: không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh, là một công trình kiến trúc kế thừa và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc - kiến trúc đình làng.

Đoàn tiến hành dâng hương tưởng nhớ công lao của các vị vua triều Trần

Sau khi đón đoàn tại cổng chính khu di tích, các đồng chí: Bùi Xuân Phóng –Trưởng Ban tuyên giáo Huyện uỷ Hưng Hà; Bùi Anh Toán – Giám đốc Bảo Việt Thái Bình (Cựu sinh viên D21/04 A1); Nguyễn Văn Hải – Chi cục Trưởng Chi cục Thuế huyện Hưng Hà (Cựu sinh viên D24/22) và một số đồng chí trong Văn phòng huyện uỷ, phòng Văn hoá – Thông tin huyện đã hướng dẫn đoàn đi thăm và thắp hương tại đền Vua, đền Mẫu, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Tôn Thất, mộ các Vua Trần. Có thể nói rằng, chuyến thăm di tích đền Trần (Hưng Hà, Thái Bình) là rất bổ ích đối với các thành viên trong đoàn. Qua chuyến đi này, mỗi thành viên tham dự chuyến đi đều cảm nhận được niềm tự hào về quá khứ hào hùng của quê hương đất nước, nâng cao sự hiểu biết về quá trình hình thành, phát triển của triều đại nhà Trần - một trong những triều đại oanh liệt trong lịch sử nước nhà, với những tên tuổi đã để lại những dấu ấn lịch sử mà muôn đời sau còn nhắc đến, như Vua: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông; Quốc công tiết chế, Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải; Thống Quốc Thái sư Trần Thủ Độ,.v.v. Qua chuyến thăm đền Trần mà CBVC khoa TCDN, Học viện Tài chính hiểu biết hơn và cảm nhận được về vùng đất Hưng Hà - một vùng đất địa linh, nhân kiệt; về người Hưng Hà – những con người mộc mạc, dản dị nhưng sống đậm nghĩa tình, mới gặp nhưng như đã quen biết từ lâu, gặp rồi quyến luyến không muốn rời xa.

Đoàn CBVC khoa TCDN, đại diện lãnh đạo địa phương  và một số cựu sinh viên trong khu di tích Đền Trần

Khu vực hành lễ bái yết các Vua Trần tại lễ hội Đền Trần Thái Bình 2019.

Sau khi chiêm bái Đền Trần, đoàn cán bộ, giáo viên của Khoa TCDN tiếp tục di chuyển đến thăm Đền Đồng Bằng. Đền Đồng Bằng tương truyền thờ Đức Vua cha Bát Hải, nằm trên địa bàn xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền Đồng Bằng được Bộ Văn hoá cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1986. Là một quần thể di tích mang trong mình một truyền thuyết về nơi khai sinh và hóa thánh của 8 vị thánh có công chống giặc cứu nước. Theo tập tục cổ truyền, cứ đến dịp 20 tháng 8 âm lịch hằng năm, hàng nghìn, hàng vạn lượt khách từ mọi miền đất nước hội tụ về đây dâng hương tưởng nhớ Vĩnh Công Đại Vương, người có công lớn giúp Vua Hùng đánh giặc ngoại xâm dựng nước, khai lập ra 8 trang Đào Động xưa; đồng thời, tưởng niệm ngày mất của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các vị tướng lĩnh nhà Trần. Về kiến trúc: Quần thể Đền Đồng Bằng là một quần thể di tích đồ sộ, bao gồm hàng chục đình đền, miếu chùa… cùng nằm trên địa phận xã An Lễ tạo thành một quần thể, mà trung tâm là Đền Đồng Bằng. Ngôi đền chính là một công trình kiến trúc bề thế, nguy nga vào bậc nhất quốc gia, tọa lạc trên một khu đất cổ, cạnh quốc lộ số 10, soi bóng xuống dòng sông Diêm huyền thoại. Toàn bộ khu đền chính rộng tới 20.500m2. Riêng diện tích nội tự là 6.000 m2, với tầng tầng lớp lớp các cung cửa, 13 tòa, 66 gian liên kết chung mái, chạm khắc tinh xảo, thâm thúy, choáng ngợp vàng son, uy nghi cổ kính, như một cung đình phong kiến thời thịnh trị. Vì vậy, có thể ví Đền Đồng Bằng giống như một bảo tàng mỹ thuật – nơi có các tác phẩm điêu khắc gỗ tuyệt đẹp, một điểm du lịch hấp dẫn của vùng quê lúa Thái Bình. Các mảng kiến trúc của công trình rất mềm mại, hài hoà với các nét chạm trổ tinh vi, hàng trăm câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thếp vàng với các chủ đề tứ quý, tứ linh, hiện thực, thiên nhiên, vừa thần thoại, vừa huyền ảo nhưng cũng rất sống động và đời thường.

Khách thập phương đang làm lễ tại Đền Đồng Bằng.

Điểm đến cuối cùng trong hành trình du xuân về Thái Bình của đoàn là Chùa Keo - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, ngôi chùa tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tại đây, đồng chí Lại Thi Tuyển - Trưởng Phòng Tài chính huyện Vũ Thư (Cựu sinh viên D22/25) và CBVC của phòng nhiệt tình hướng dẫn các Thầy Cô đi thăm quan, chiêm ngưỡng và khám phá những giá trị văn hoá, lịch sử của di tích Chùa Keo.

Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn về mặt kiến trúc cho dù đã qua 400 năm tuổi. Văn bia và địa bạ chùa Keo còn ghi lại: chùa Keo khi xây dựng gồm 21 công trình, với 157 gian trên khu đất rộng 58.000 m2. Hiện nay, quần thể kiến trúc chùa Keo còn 128 gian với 17 công trình kiến trúc chính như: tam quan, chùa phật, điện thánh, gác chuông, hành lang và khu tăng xá, vườn tháp... Chùa Keo bao gồm hai cụm kiến trúc: Khu Chùa - nơi thờ phật và khu Đền thánh - thờ đức Dương Không Lộ - Vị đại sư thời nhà Lý có công dựng chùa. Điều đặc biệt nhất của Chùa Keo là toàn bộ cấu trúc của ngôi chùa với hơn 100 gian sử dụng cả ngàn cây gỗ lim nhưng không sử dụng bất kỳ một cái đinh hay chốt nào. Toàn bộ các xà, vì kèo và các kết cấu gỗ của các chùa, điện, gác chuông hay tam quan trong quần thể của Chùa Keo hoàn toàn được kết nối với nhau bằng các mộng và khớp. Trải qua gần 4 thế kỷ với bao biến cố của thời gian và lịch sử, quần thể kiến trúc của Chùa Keo vẫn bền mãi với thời gian, khẳng định nét tài hoa của những người thợ mộc Việt Nam thế kỷ thứ 17 đã xây dựng nên những công trình văn hoá tâm linh có giá trị cao để lại cho con cháu đời sau chiêm bái.

Chùa Keo - ngôi chùa cổ còn giữ được nguyên vẹn cấu trúc 400 năm tuổi

Tiêu biểu cho kiến trúc chùa Keo là kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo. Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc đẹp có chiều cao 11,04 m với 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,2 m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,3 m, đường kính 1m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62 m, đường kính 0,69 m đều được đúc năm 1796.

Đồng chí Lại Thi Tuyển - Trưởng phòng Tài chính huyện Vũ Thư (Cựu sinh viên D22/25) chụp ảnh lưu niệm với các Thầy, Cô khoa TCDN bên gác chuông chùa Keo

Bên cạnh kiến trúc cổ, chùa Keo còn lưu giữ những pho tượng lâu đời. Khu đền thánh thờ đức Dương Không Lộ - Vị đại sư thời nhà Lý được kết nối với khu thờ Phật gồm tòa giá roi, tòa thiêu hương, tòa phụ quốc và thượng điện. Những công trình này nối tiếp với nhau tạo thành một kết cấu kiểu chữ “công”. Sau cùng khu thờ phật là gác chuông 3 tầng nguy nga bề thế. Hai dãy hành lang Đông, Tây nối từ chùa ông Hộ đến gác chuông thẳng tắp, dài hun hút hàng chục gian bao bọc cả khu chùa làm thành “bốn mặt tường vây kín đáo” cho một kiến trúc “Tiền Phật, hậu Thần”. Hành lang thẳng tắp hai bên Đông Tây ngôi chùa. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ kính, vững chắc với thời gian. Với những giá trị kiến trúc, văn hóa lịch sử, khoa học đặc biệt đã được xếp hạng của di tích, chùa Keo xứng đáng là một trong những ngôi chùa cổ đẹp bậc nhất của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương chiêm bái cảnh chùa trong ngày Xuân và những ai yêu thích kiến trúc chùa cổ của Việt Nam.

Các Cô tranh thủ chụp ảnh lưu niệm trước Tam Quan nội (Chùa Keo)

Trong chuyến du xuân ở Thái Bình, ngoài việc thăm quan, dâng hương các đền, chùa di tích lịch sử quốc gia, đoàn cán bộ giáo viên của Khoa TCDN còn tiến hành gặp gỡ, giao lưu với một số cựu sinh viên của Khoa và Học viện hiện đang công tác và đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau trong các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Tham dự buổi giao lưu có các đ/c: Bùi Anh Toán – Giám đốc công ty Bảo Việt Thái Bình (cựu sinh viên D21/04A1); Phạm Văn Huy - Trưởng phòng Kinh tế UBND tỉnh (Cựu sinh viên D21/04A1); Hà Quang Khải – Phó Trưởng phòng Kế toán, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Cựu sinh viên D21/02): Bùi Thiện Lạc - Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Uỷ ban dân tộc của Chính phủ (Cựu sinh viên D21/22); Vũ Kim Cứ - Bí thư huyện uỷ Hưng Hà (Cựu sinh viên D23/11); v.v. Tại buổi giao lưu, PGS.TS. Bùi Văn Vần - Trưởng Khoa TCDN đã chúc mừng các cựu sinh viên Học viện Tài chính hiện đang làm việc, công tác tại Thái Bình đã có nhiều nỗ lực vượt khó, phấn đấu trưởng thành, làm rạng danh truyền thống của sinh viên Học viện Tài chính, mang đến niềm vinh dự và tự hào cho các Thầy, Cô của Học viện khi về thăm địa phương. Thầy cũng gửi lời cảm ơn sự nhiệt tình, lòng hiếu khách mà anh chị em cựu sinh viên đã dành cho các Thầy, Cô trong chuyến về thăm Thái Bình. Thay mặt đoàn, Thầy đã trao quà lưu niệm cho đại diện các Cựu sinh viên Học viện Tài chính và mong muốn các Cựu sinh viên không ngừng phấn đấu trau dồi năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, vận dụng sáng tạo những kiến thức được nhà trường trang bị vào công tác quản lý trong thực tiễn; đồng thời, tuỳ theo điều kiện của bản thân, có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của Học viện Tài chính.

PGS, TS. Bùi Văn Vần – Trưởng Khoa TCDN trao quà lưu niệm cho đại diện các Cựu sinh viên khoa TCDN và Học viện Tài chính công tác tại Thái Bình

.. Đến giờ ra xe mà ai nấy đều lưu luyến, chưa muốn rời mảnh đất Thái Bình

Đúng 16h30 chiều 16/02/2019, xe chở đoàn cán bộ giáo viên chuyển bánh rời khu di tích Chùa Keo trở về Học viện Tài chính để tiếp tục các công việc thường nhật sau kỳ nghỉ tết Kỷ Hợi. Có thể nói chuyến du xuân đầu năm mới của Khoa đã thành công tốt đẹp và an toàn. Chuyến đi một mặt đã góp phần gắn kết các thành viên thuộc các đơn vị, bộ phận trong khoa, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho cán bộ, giáo viên trong Khoa trước khi bước vào một năm mới với nhiều khí thế và thắng lợi mới; Mặt khác, chuyến đi đã góp phần kết nối và giáo dục truyền thống sinh viên của khoa TCDN và Học viện Tài chính. Chuyến đi chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi nhưng đã để lại những ấn tượng sâu sắc về tình đất, tình người ở một miền quê vốn đất không rộng, người không đông, không có núi, chẳng có đồi, dẫu không giàu về kinh tế song rất nặng nghĩa, nặng tình và hiếu khách. Có lẽ chính vì vậy, dẫu chẳng phải người Thái Bình song rất nhiều người rất thích bài hát “Nắng ấm quê hương” của Nhạc sĩ Vĩnh An, bởi khi những ca từ của bài hát cất lên luôn khiến người nghe thấy xao xuyến trong lòng:

“Thái Bình ơi Thái Bình, ai đặt tên cho đất Thái Bình tự bao giờ
Mà trong nắng trong mưa, lúa vẫn lên xanh tốt
Mà trong bom trong đạn, đất vẫn cứ sinh sôi
Thái Bình ơi, sao mà yêu đến thế”.

Nhất định chúng tôi sẽ trở lại Thái Bình trong một ngày không xa để khám phá tiếp những địa danh, những di tích đã đi vào câu hát mà chuyến đi này chưa đủ thời gian để thực hiện.

Một số hình ảnh về chuyến du xuân đầu năm của Khoa TCDN:

Các thành viên trong đoàn đang sắm sửa mâm lễ dâng hương tưởng nhớ công lao các vua Trần.

Một số thành viên trong đoàn đang thắp hương trước gò mộ Vua Trần Thánh Tông tại quần thể di tích đền Trần.

Thầy Cô và các cựu sinh viên vừa trò chuyện, vừa chiêm bái cảnh Đền Trần

Một số thành viên trong đoàn và lãnh đạo địa phương

PGS, TS. Bùi Văn Vần gặp lại hai cựu sinh viên sau nhiều năm

Đồng chí Bùi Xuân Phóng - Trưởng Ban Tuyên giáo huyện uỷ Hưng Hà đang giới thiệu với các thành viên trong đoàn về quần thể di tích Đền Trần

Niềm vui sau chuyến đi hiện lên trên khuôn mặt

Lần đầu gặp mà đã như thân thiết từ lâu

Ban chủ nhiệm Khoa Tài chính Doanh nghiệp

Số lần đọc: 1
Các bài đã đăng