HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Tin hoạt động
Thứ tư, 28/12/2022 - 15:38

Giảng viên Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đi thực tế tìm hiểu doanh nghiệp tại tỉnh Phú Thọ - Gắn kết lý luận và thực tiễn

Với mục đích tăng cường kiến thực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp cũng như để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, ngày 16/12/2022 Bộ môn Tài chính doanh nghiệp, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính kết hợp với Khoa kế toán Đại học Công đoàn đã tổ chức chuyến nghiên cứu thực tế tại Cục Thuế Tỉnh Phú Thọ và Tổng công ty Giấy cơ sở sản xuất tại Phú Thọ.

Tham gia chuyến tham quan trải nghiệm thực tế này, về phía Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp có PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh – Phó trưởng Khoa Tài chính doanh nghiệp, Trưởng Bộ môn Tài chính doanh nghiệp;  PGS.TS Nguyễn Thị Hà – Phó trưởng Bộ môn Tài chính doanh nghiệp, TS. Phạm Thị Vân Anh – Phó trưởng Bộ môn Tài chính doanh nghiệp cùng các giảng viên của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp.

Hơn 8h sáng, đoàn giảng viên của Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp đã có mặt tại Cục thuế tỉnh Phú Thọ. Đoàn được các đồng chí trong Cục thuế đón tiếp nồng ấm tình cảm và trang trọng. Về phía Cục Thuế tỉnh Phú Thọ, vinh dự có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Huy Hồng – Cục trưởng, đồng chí Phạm Bá Vinh- Phó Cục Trưởng; đồng chí Đỗ Trọng Bồng – Phó Cục trưởng, đồng chí Nguyễn Đức Việt – Chánh Văn phòng Cục Thuế… cùng các đồng chí là lãnh đạo các phòng và cán bộ công chức của Cục Thuế tỉnh Phú Thọ.

 Đồng chí Nguyễn Huy Hồng – Cục trưởng Cục thuế Phú Thọ.

Đồng chí Phạm Bá Vinh – Phó Cục Trưởng Cục Thuế Tỉnh Phú Thọ

Đồng chí Đỗ Trọng Bồng – Phó Cục trưởng  phát biểu giới thiệu về cơ cấu tổ chức và hoạt động quản lý thuế tại Cục thuế tỉnh Phú Thọ.

Đồng chí Đỗ Trọng Bồng – Phó Cục trưởng Cục thuế Phú Thọ phát biểu và giới thiệu về cơ cấu tổ chức của Cục thuế tỉnh Phú Thọ đồng thời chia sẻ thông tin về hoạt động quản lý thuế hiện nay cũng như các thành tích đã đạt được trong hoạt động quản lý thuế thời gian qua của Cục thuế tỉnh Phú Thọ. Trong bối cảnh Phú Thọ là một tỉnh một tỉnh miền núi phía Bắc, số lượng các doanh nghiệp quản lý thuế không quá nhiều như các tỉnh đồng bằng hoặc thành phố lớn trong toàn quốc. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh Phú Thọ đã xây dựng các tiêu chức phân cấp quản lý doanh nghiêp trên địa bàn theo các cấp quản lý nhằm đảm bảo phù hợp với các nguồn nhân lực hiện có. Tiếp theo, đoàn đã được nghe đồng chí Nguyễn Thị Giang Hương- Trưởng phòng thanh tra kiểm tra số 3 chia sẻ các thông tin về quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế …

Đồng chí Nguyễn Thị Giang Hương Trưởng phòng Thanh tra Kiểm tra 3- trao đổi về hoạt động thanh tra, kiểm tra và quản lý Doanh nghiệp tại Cục thuế.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế của Cục thuế Tỉnh Phú Thọ ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế đã được nâng lên, có tác động lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp trong việc chấp hành Luật thuế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động báo cáo, kê khai điều chỉnh tăng số thuế phải nộp từ đó góp phần tăng thu ngân sách, bên cạnh đó chính những chia sẻ này cũng giúp cho các thày cô hiểu sâu thêm về các quy định cụ thể khi vận dụng triển khai trong thực tế cũng như nắm bắt được các thông tin về phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, cách phân tích rủi ro mà doanh nghiệp gặp phải… liên quan đến dòng tiền doanh nghiệp trong hoạt động nộp thuế cho NSNN.

Những kiến thức trong buổi giao lưu tìm hiểu thực tế tại Cục thuế Tỉnh Phú Thọ không chỉ mang lại kiến thức thực tế về tài chính trong doanh nghiệp mà còn giúp cho các giảng viên hiểu biết sâu thêm ở rất nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, đặc biệt là ở góc độ quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp. Kết thúc buổi giao lưu, tìm hiểu thực tế tại Cục thuế Tỉnh Phú Thọ, thay mặt đoàn,  PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh tặng bó hoa tươi thắm đến các đồng chí trong Cục Thuế tỉnh Phú Thọ. Chuyến tham quan khảo sát thực tiễn tại Cục thuế tỉnh Phú Thọ đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích về thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp,

Đoàn thầy cô BM TCDN chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại diện Cục Thuế tỉnh Phú Thọ.

Để nắm bắt rõ hơn tình hình quản trị tài chính tại một doanh nghiệp cụ thể, đoàn đã đến thăm và làm việc với Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO) cơ sở sản xuất tại Phú Thọ.

Ngành giấy có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nó quyết định tới nền văn minh của đất nước nói riêng và toàn nhân loại nói chung. Giấy là công cụ lưu trữ thông tin để truyền bá từ thế này sang thế hệ khác. Giấy góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế- xã hội và khoa học- kỹ thuật phát triển. Nhân loại muốn phát triển thì các thành tựu khoa học- kỹ thuật và thông tin văn hoá phải được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, dẫn tới nhu cầu sử dụng giấy đang ngày càng được tăng cao.

Trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Giấy Việt Nam. (VINAPACO) không ngừng phát triển lớn mạnh, với quy mô gồm 13 phòng ban chức năng, 21 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 7 đơn vị hạch toán báo sổ, 1 đơn vị hạch toán độc lập, 1 công ty con và 7 công ty liên kết.

Tổng công ty sản xuất kinh doanh đa ngành: trồng rừng, chế biến gỗ, sản  xuất giấy, bộ giấy, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm giấy in, giấy viết, giấy tissue, giấy bao bì, văn phòng phẩm, hoá chất, điện, nghiên cứu khoa học và công nghệ, xuất khẩu các loại phụ tùng, thiết bị máy móc, vật tư ngành giấy, kinh doanh dịch vụ cho thuê văn phòng, khách sạn. Năng lực sản xuất của VINAPACO đạt 75 nghìn tấn bột giấy trắng/năm và 120 nghìn tấn giấy in, giấy viết/ năm, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, bảo vệ mội trường đạt tiêu chuẩn quốc gia. Quá trình sản xuất kinh doanh khép kín từ khâu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gỗ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm giấy. Bên cạnh mục tiêu sản xuất kinh doanh hiệu quả và mang lại lợi nhuận cao, Tổng công ty giấy Việt Nam luôn thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội, người lao động. Trong đó, Tổng công ty đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, coi đó là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Với hệ thống công nghệ hiện đại, ưu thế vượt trội về chế biến giấy và bột giấy, cùng với chiến lược đầu tư mở rộng, phát triển toàn diện, VINAPACO đã khẳng định được vị thế ngày càng vững chắc trong ngành công nghiệp giấy Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Đoàn thầy cô đã được nghe Ông Tạ Đức Long- Phó Tổng Giám đốc đại diện ban lãnh đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam - giới thiệu về ngành nghề sản xuất, sản phẩm của Tổng công ty, quy trình công nghệ, và chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong công tác quản trị tài chính của Tổng công ty.

Tiếp theo đoàn được nghe Ông Nông Văn Quyết - Kế toán trưởng trao đổi các nghiệp vụ liên quan đến cách hạch toán kế toán trong Tổng công ty Giấy, ông Quyết trao đổi rất kỹ về cách hạch toán chi phí và tính giá thành sản phẩm của Tổng công ty.

Ông Tạ Đức Long- Phó Tổng công ty giới thiệu cơ cấu ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty Giấy Việt Nam.

 Ông Nông Văn Quyết - Kế toán trưởng trao đổi các nghiệp vụ liên quan đến cách hạch toán kế toán trong Tổng công ty Giấy

Các thầy cô trong đoàn hào hứng trao đổi chuyên môn nghiệp vụ quản trị tài chính như: Hoạch định chiến lược tài chính của Tổng công ty, về việc lựa chọn dự án đầu tư; về công tác quản lý vốn kinh doanh, về hoạt động quản trị vốn lưu động, quản trị công nợ phải thu, các vấn đề về kiểm soát rủi ro trước biến động của giá nguyên vật liệu đầu vào, đầu ra… và những khó khăn thách thức doanh nghiệp gặp phải và ứng phó ra sao trong bối cảnh đại dịch Covid 19. Bài toán tiết kiệm chi phí, tối đa hóa công suất thiết kế của máy móc thiết bị đã được vận dụng  tại công ty, cũng như vấn đề xác định điểm hòa vốn để sao cho sản xuất kinh doanh có lợi cho công ty cũng được chia sẻ và thảo luận rất sôi nổi. Trong bối cảnh giá đầu vào nguyên vật liệu liên tục tăng cao, cùng với sự đứt gãy về chuỗi cung cấp nguyên vật liệu trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, trong khi giá đầu ra không dễ dàng điều chỉnh tăng. Ban lãnh đạo Tổng công ty Giấy đã chỉ ra những khó khăn thách thức gặp phải, đồng thời chỉ đạo phương án sản xuất sao cho có thể tối ưu hóa năng suất chất lượng, tổi thiểu hóa chi phí sản xuất, hạn chế được rủi ro tăng giá nguyên vật liệu. Kết quả là doanh thu sản xuất sản phẩm chính từ giấy của Tổng công ty đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho bà con nông dân trồng rừng, cây keo, thu nhập bình quân người lao động là 10 triệu đồng/người/tháng…

Các vấn đề trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ tài chính doanh nghiệp đã giúp các giảng viên Bộ môn Tài chính doanh nghiệp hiểu rõ hơn các vấn đề về quản trị tài chính trong thực tiễn tại doanh nghiệp. Nhiều câu hỏi trao đổi sôi nổi và sâu sắc giữa hai bên. Vấn đề xác định nhu cầu vốn lưu động được các thầy cô đặc biệt quan tâm. Trao đổi về vấn đề này, ông Quyết chia sẻ thực tế phương pháp xác định nhu cầu vốn lưu động được sử dụng tại Tổng công ty trong thời gian qua là phương pháp trực tiếp. Đó là,  căn cứ vào các tiêu chuẩn định mức về đặc điểm kinh tế kỹ thuật, cũng như kế hoạch sản xuất để xác định mức tồn kho tối đa, tối thiểu và dựa vào chu kỳ quay vòng của vốn để Tổng công ty xác định nhu cầu vốn lưu động cần thiết. Ngoài ra các kế hoạch về bảo dưỡng lớn sẽ phát sinh nhu cầu nhập khẩu thiết bị, là cơ sở để Tổng công ty xác định nhu cầu vốn đầu tư vào thiết bị nhập khẩu hàng năm, từ đó có cơ sở để xác định nhu cầu vốn kinh doanh của Tổng công ty. Bộ phận tài chính và kế hoạch có nhiệm vụ phân tích và dự báo, đánh giá tình hình để Ban lãnh đạo Tổng công ty có phương hướng và giải pháp phù hợp. Chính điều này giúp Tổng công ty lường trước được những khó khăn và sớm áp dụng biện pháp điều chỉnh thích hợp góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có thể nói, những kinh nghiệm thực tiễn trong quản trị tài chính của Tổng công ty Giấy được Ban lãnh đạo Tổng công ty chia sẻ rất hữu ích cho công tác giảng dạy của giảng viên bộ môn Tài chính doanh nghiệp. Nhiều kiến thức hữu ích này sẽ góp phần làm dày thêm bài giảng thực tiễn của các thầy cô trong tương lai trong quá trình giảng dạy gắn liền với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu người học hiện nay.

      Các thầy cô hào hứng trao đổi cũng như ghi chép rất cẩn thận về chuyên môn nghiệp vụ quản trị tài chính tại Tổng công ty Giấy Việt Nam

Thực tiễn cho thấy đặc điểm quy trình công nghệ và đặc điểm ngành kinh doanh là yếu tố ảnh hưởng lớn đến công tác quản trị tài chính doanh nghiệp. Sau khi đoàn được các lãnh đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam trao đổi về các nội dung quản trị tài chính cũng như cách hạch toán kế toán trong Tổng công ty, các giảng viên của bộ môn Tài chính Doanh nghiệp được vào tận cơ sở sản xuất giấy thành phẩm, tìm hiểu quy trình công nghệ và cách hạch toán, cách quản trị tài chính tại Tổng công ty Giấy Việt Nam với kiến thức thực tế vô cùng hữu ích và gắn với đặc điểm kinh doanh của Tổng công ty Giấy.

Lãnh đạo BM TCDN chụp ảnh lưu niệm với ban lãnh đạo Tổng công ty Giấy VN

Cô Đoàn Hương Quỳnh đại điện đoàn Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, Khoa Tài chính Doanh nghiệp, Học viện Tài chính phát biểu, cảm ơn ban lãnh đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam đã dành thời gian đón tiếp đoàn rất trang trọng và nồng hậu, cũng như trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý tài chính tại đơn vị. PGS Đoàn Hương Quỳnh đã có bó hoa tươi thắm kính tặng phía Tổng công ty, kính chúc Tổng công ty ngày càng phát triển hơn nữa trong tương lai.

Đoàn thầy cô Bộ môn TCDN chụp ảnh kỷ niệm tại TCT Giấy Việt Nam.

Các cô giáo bộ môn TCDN thăm các dây chuyền sản xuất của Tổng Công ty Giấy Việt Nam.

Các cô giáo BM TCDN trong nhà máy sản xuất giấy thành phẩm.

Các cô giáo BM TCDN chụp ảnh lưu niệm tại phân xưởng giấy của Tổng công ty giấy Việt Nam.

Chuyến tham quan khảo sát tìm hiểu thực tiễn đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích về hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hoạt động quản trị tài chính của doanh nghiệp, Tổng công ty, giúp cho các giảng viên bộ môn TCDN hiểu rõ hơn quy trình sản xuất cũng như công tác quản trị tài chính thực tiễn tại đơn vị, từ đó góp phần phong phú bài giảng của các thầy cô cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong Học viện!

 
Bộ môn Tài chính doanh nghiệp
Số lần đọc: 1
Các bài đã đăng