HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Hoạt động NCKH của giảng viên
Thứ sáu, 25/12/2020 - 13:54

Khoa TCDN tổ chức hội thảo khoa học giáo viên năm 2020 - Thiết thực và bổ ích

Sự thay đổi của thị trường lao động đã tạo áp lực cho các trường đại học phải chuyển đổi mô hình và chương trình đào tạo để sinh viên ra trường thực sự là những “công dân toàn cầu”. Nắm bắt được xu thế tất yếu đó, nhiều trường đại học đã triển khai các chương trình cử nhân chất lượng cao (CLC), ngoài việc nâng cao chất lượng chuyên môn, định hướng theo các chứng chỉ nghề nghiệp danh tiếng thì còn giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo chủ yếu bằng tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Chương trình đào tạo CLC đã đáp ứng được nhu cầu của rất nhiều sinh viên, tạo ra môi trường học tập năng động, sáng tạo và chủ động hội nhập cho sinh viên. Nội dung chương trình đào tạo CLC của các chuyên ngành đều được định hướng theo những chứng chỉ hành nghề quốc tế uy tín, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với những kiến thức phong phú, chuẩn quốc tế và trau dồi vốn ngoại ngữ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đào tạo theo chương trình CLC, vẫn còn nảy sinh một số vấn để liên quan tới chương trình đào tạo CLC cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để cho chương trình đào tạo CLC hiệu quả hơn.

Xuất phát từ thực tế đó, được sự đồng ý của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, với sự giúp đỡ của các Ban chức năng của Học viện, ngày 23/12/2020 Khoa Tài chính doanh nghiệp đã tổ chức Hội thảo khoa học trong giáo viên với chủ đề: Chương trình đào tạo chất lượng cao các chuyên ngành của Khoa TCDN - Thực trạng và giải pháp.

PGS. TS Vũ Văn Ninh – Trưởng khoa TCDN và PGS. TS Đoàn Hương Quỳnh – Phó trưởng khoa TCDN điều hành hội thảo

Đến dự với Hội thảo khoa học của Khoa có sự hiện diện của: PGS. TS. Trương Thị Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính; PGS. TS. Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng Ban Quản lý đào tạo; TS. Lưu Hữu Đức - Trưởng Ban công tác chính trị và sinh viên; PGS. TS. Ngô Thị Thu Hồng - Phó Trưởng Khoa Kế toán, Trưởng Bộ môn Kế toán tài chính; PGS.TS.Thịnh Văn Vinh - Phó Trưởng Khoa Kế toán, Trưởng Bộ môn Kiểm toán; TS. Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng Bộ môn Kế toán quản trị; ThS. Trương Thị Vân Lý - Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học, Thành viên Ban điều hành Chương trình đào tạo CLC; ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền - Chuyên viên Ban Quản lý Khoa học.

Về phía khoa TCDN có sự hiện diện của PGS.TS. Vũ Văn Ninh - Bí thư chi bộ, Trưởng khoa TCDN; PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh - Phó Trưởng khoa, Trưởng bộ môn TCDN; PGS.TS. Nghiêm Thị Thà - Phó trưởng khoa, Trưởng bộ môn Phân tích tài chính; TS. Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng Bộ môn ĐGTS, cùng toàn thể các cán bộ, giảng viên các bộ môn thuộc Khoa TCDN và các nhà khoa học quan tâm tới chủ đề hội thảo.

Tại hội thảo lần này, Ban tổ chức Hội thảo của Khoa đã nhận được nhiều bài viết từ các giảng viên của Khoa. Sau khi đọc duyệt, Ban tổ chức đã lựa chọn được 28 bài viết xuất sắc để đăng vào Kỷ yếu Hội thảo Khoa học. Có thể nói rằng 28 bài viết là 28 cách nhìn nhận sắc sảo, tinh tế của các tác giả về các vấn đề liên quan tới chương trình đào tạo chất lượng cao.

PGS. TS. Đoàn Hương Quỳnh – Phó Trưởng khoa TCDN phát biểu đề dẫn HT

Trong phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh – Phó Trưởng khoa TCDN nhấn mạnh: Một sinh viên tốt nghiệp đại học không những phải có nền tảng vững chắc về kiến thức chuyên môn mà còn phải có năng lực xử lý các vấn đề chuyên môn bằng tiếng Anh cũng như thành thạo các kỹ năng làm việc hiện đại trong môi trường quốc tế, do đó, đào tạo chất lượng cao là xu thế tất yếu; từ đó, PGS. Đoàn Hương Quỳnh cũng gợi ý một số định hướng mà các đại biểu tham dự Hội thảo cần tập trung giải quyết. Đó là:

Thứ nhất, Giới thiệu tổng quan về các chương trình đào tạo chất lượng cao của Khoa TCDN đang tổ chức triển khai đào tạo

Thứ hai, Nghiên cứu và luận bàn về nội dung chương trình đào tạo chất lượng cao các chuyên ngành của Khoa TCDN.

Thứ ba, Nghiên cứu và luận bàn về nội dung các môn học chuyên ngành trong chương trình đào tạo chất lượng cao của Khoa TCDN.

Thứ tư, Hoàn thiện hệ thống học liệu phục vụ đào tạo chương trình chất lượng cao các chuyên ngành thuộc khoa TCDN.

Thứ năm, Tăng cường các hoạt động kiến tập, thăm quan, khảo sát thực tế trong chương trình đào tạo chất lượng cao các chuyên ngành thuộc Khoa TCDN.

Ngay sau phát biểu đề dẫn hội thảo của PGS. TS. Đoàn Hương Quỳnh, các giảng viên, các nhà khoa học đã lần lượt trình bày tham luận, cũng như sôi nổi trao đổi ý kiến xung quanh các định hướng mà ban điều hành hội thảo đã nêu ra chung quanh chủ đề về “Chương trình đào tào tạo chất lượng cao các chuyên ngành của Khoa TCDN hiện nay”.

Mở đầu phần trao đổi là tham luận “Trao đổi về tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo đại học hiện nay” do PGS.,TS. Nghiêm Thị Thà - Phó trưởng Khoa TCDN, Trưởng BM PTTC trình bày. Trong tham luận của mình, PGS. TS. Nghiêm Thị Thà đưa ra 5 quan điểm về đánh giá chất lượng đào tạo đại học, đó là: (i) chất lượng tuyển sinh đầu vào, (ii) chất lượng sinh viên đầu ra, (iii) giá trị gia tăng trong quá trình đào tạo, (iv) giá trị học thuật, (v) kết quả kiểm định chất lượng. Ngoài ra, theo PGS, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo đại học phải phù hợp với mục tiêu, lợi ích và sự đánh giá của 4 bên: Cơ sở giáo dục đào tạo đại học; Khách hàng trải nghiệm hoạt động giáo dục đào tạo – sinh viên; Khách hàng sử dụng sản phẩm đào tạo đại học; cơ quan quản lý về giáo dục đào tạo đại học. Từ đó, tác giả cho rằng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo đại học hiện nay, nhất là giáo dục đào tạo đại học chất lượng cao cần hội tụ đủ 4 tiêu chí cơ bản: tiêu chí về mục tiêu chiến lược và triết lý giáo dục đào tạo đại học, tiêu chí về lực lượng tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo đại học, tiêu chí về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ việc dạy và học, tiêu chuẩn về chương trình giáo dục đào tạo đại học.

PGS. TS. Nghiêm Thị Thà – Phó Trưởng Khoa TCDN trao đổi về tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo đại học

Tiếp theo đó, PGS.TS.Bùi Văn Vần - Nguyên Trưởng Khoa TCDN đã trình bày tham luận với chủ đề “Đào tạo theo chương trình chất lượng cao ở Học viện Tài chính– Thực trạng và những vấn đề đặt ra”. Theo tác giả, hơn 4 năm triển khai đào tạo chương trình CLC của HVTC chưa thể nói là dài, song cũng đủ để chỉ ra những kết quả đạt được bước đầu như: Thứ nhất, chương trình đào tạo CLC của Học viện đã tạo dựng được sự hấp dẫn lớn đối với phụ huynh và thí sinh xét tuyển vào HVTC. Thứ hai, hệ đào tạo CLC ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Thứ ba, thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo của Học viện. Thứ tư, đề cao tính cộng đồng trách nhiệm của các Ban, Khoa, Bộ môn trong việc phối hợp triển khai thực hiện chương trình đào tạo của Học viện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, để CTĐT CLC gặt hái được những kết quả cao hơn, theo tác giả, Học viện cần giải quyết tốt một số vấn đề như: Tiếp tục hoàn thiện nội dung CTĐT CLC của các chuyên ngành của Khoa; coi trọng hơn nữa việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các Khoa, Bộ môn trong quản lý sinh viên CLC; Quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giảng viên giảng dạy các lớp CLC.

PGS.TS.Bùi Văn Vần - Nguyên Trưởng Khoa TCDN phân tích, đánh giá thực trạng chương trình đào tạo chất lượng cao tại HVTC

Trong tham luận của mình với chủ đề “Kinh nghiệm của một số trường về xây dựng chương trình đào tạo CLC và bài học cho Học viện Tài chính”, ThS.Nguyễn Hữu Tân - Giảng viên Bộ môn PTTC đã trình bày kinh nghiệm của một số trường đại học trong việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao. Từ đó, tác giả đưa ra một số bài học cho Học viện Tài chính nói chung, Khoa TCDN nói riêng trong việc sửa đổi và triển khai chương trình đào tạo CLC như: Cần có sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa từ Đảng ủy, BGĐ Học viện trong quá trình triển khai chương trình CLC; nâng cao hơn nữa nhận thức của giảng viên, sinh viên về tính hiệu quả khi triển khai CTĐT CLC; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng giảng viên về dạy học và đánh giá theo CĐR của chương trình CLC; Tăng cường hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới để tiếp nhận, chuyển giao chương trình, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá kết quả học tập SV; sử dụng tài liệu “hướng dẫn học” nhằm giúp tăng cường tính tích cực chủ động của sinh viên CLC trong quá trình học tập.

ThS. Nguyễn Hữu Tân chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai  Chương trình đào tạo CLC của một số trường ĐH

Chia sẻ quan điểm với các tác giả tại Hội thảo, PGS. TS. Ngô Thị Thu Hồng - Phó Trưởng khoa Kế toán, Trưởng Bộ môn KTTC đánh giá cao kết quả mà Khoa TCDN đã đạt được trong công tác đào tạo chương trình CLC. Đồng thời, chia sẻ với những thách thức và khó khăn mà Khoa TCDN nói riêng, Học viện Tài chính nói chung đang còn vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình đào tạo CLC.

PGS. TS. Ngô Thị Thu Hồng – Phó Trưởng khoa Kế toán phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Khả năng chịu đựng công việc là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và hiệu suất làm việc của một cá nhân. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, sự thay đổi liên tục của môi trường làm việc đòi hỏi người lao động phải có sức bền tinh thần tốt. Để đạt được điều này, ngay từ khâu đào tạo, sinh viên – lực lượng lao động tương lai của xã hội phải hiểu và có cơ hội được rèn luyện khả năng chịu sức ép, hình thành một tâm thái ổn định, vững vàng trước những thách thức nghề nghiệp sắp tới. Vì vậy, với tham luận “Gia tăng khả năng chịu áp lực nghề nghiệp cho SV CLC ngành Tài chính thông qua mô hình hợp tác ba bên Nhà trường - Nhà giáo - Doanh nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp”, TS. Trần Thanh Thu – Giảng viên Bộ môn TCDN đã làm rõ mô hình hợp tác ba bên gồm nhà trường, nhà giáo, nhà doanh nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp trong việc gia tăng khả năng chịu áp lực nghề nghiệp cho sinh viên hệ đào tạo chất lượng cao. Trong mô hình này, nhà trường đóng vai trò chủ đạo trong việc kiến tạo hệ sinh thái đào tạo chất lượng cao, đảm bảo cơ sở vật chất và chương trình đào tạo; nhà giáo là động lực của sự thay đổi; doanh nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp là đối tác chiến lược, cung cấp môi trường và kiến thức thực tiễn để sinh viên rèn luyện và gia tăng khả năng chịu sức ép trong nghề nghiệp.

TS. Trần Thanh Thu trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học

Ngay sau đó, TS.Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng Bộ môn ĐGTS đã bàn luận về một trong những phương pháp giảng dạy cho lớp CLC rất hiệu quả đó là phương pháp “Thảo luận nhóm trong các lớp đào tạo chất lượng cao”. Thông qua ý kiến của tác giả cho thấy những kỹ năng tổ chức làm việc nhóm không phải là chủ đề cao siêu, xa lạ, khó hiểu. Nó thuộc về những kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong mỗi chủ đề mà cả thầy và trò cùng quan tâm. Hiệu quả truyền thụ kiến thức - chèo đò, trong các lớp Chất lượng cao vì vậy, có thể nói tùy thuộc phần lớn vào mức độ nhiệt tình, tâm huyết của mỗi thầy cô trong từng giờ đứng lớp.

TS. Nguyễn Minh Hoàng với những chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp tổ chức thảo luận nhóm tại các lớp CLC

Bài tham luận cuối cùng trong hội thảo với chủ đề “Tăng cường các hoạt động kiến tập, thăm quan, khảo sát trong chương trình đào tạo CLC chuyên ngành TCDN” do PGS.TS.Nguyễn Thị Hà – Phó Trưởng Bộ môn TCDN trình bày. Bài tham luận đã chỉ ra những kết quả đạt được đối với hoạt động kiến tập, thăm quan, khảo sát thực tế trong chương trình đào tạo chất lượng cao chuyên ngành TCDN và đề xuất một số ý kiến đề xuất với Học viện và BĐH chương trình CLC như: Ban điều hành chương trình CLC cần phát huy hơn nữa vai trò quan trọng trong việc kết nối các tổ chức nghề nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các Bộ môn chuyên ngành trong việc liên hệ địa điểm kiến tập giúp sinh viên CLC có cơ sở đi tìm hiểu thực tế. Đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất trong hoạt động đào tạo chương trình CLC. Tăng cường hơn nữa trong đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng thực hành cho SV CLC. Thường xuyên rà soát chương trình đào tạo để cập nhật nội dung đào tạo đáp ứng kịp thời với những thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng 4.0.

Tham luận “Tăng cường các hoạt động kiến tập, thăm quan, khảo sát trong chương trình đào tạo CLC” do PGS. TS Nguyễn Thị Hà trình bày

Đồng tình với quan điểm của của PGS.Nguyễn Thị Hà về việc cần tăng cường các hoạt động kiến tập cho SV lớp CLC; PGS.TS.Vũ Văn Ninh cho rằng cần thiết kế có tính chủ động các hoạt động kiến tập cho SV lớp CLC theo các học phần nghiệp vụ chuyên ngành, đối với chuyên ngành TCDN nên thiết kế 3 lần đi thực tế theo 3 học phần môn nghiệp vụ chuyên ngành TCDN. Hơn nữa, cần thiết kế theo cấu trúc hình tháp về số lượng sinh viên tại một địa điểm kiến tập để giúp SV học thêm kỹ năng làm việc nhóm và chịu áp lực nghề nghiệp. Ngoài ra, việc kiến tập cần có bài thu hoạch để đánh giá, kiểm tra năng lực của SV trong việc tìm hiểu và tiếp nhận kiến thức thực tế.

PGS.TS.Vũ Văn Ninh trao đổi về việc triển khai hoạt động kiến tập cho SVCLC

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, PGS. TS. Trương Thị Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính đã ghi nhận và đánh giá cao toàn bộ ý kiến đóng góp tâm huyết của các Thầy cô giáo và các nhà khoa học. PGS.TS. Trương Thị Thủy cũng chia sẻ thông tin về quá trình thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao của các chuyên ngành của Khoa; giao nhiệm vụ cho Khoa, Bộ môn và các giảng viên trong việc tiếp tục triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao của Khoa trong thời gian tới, đồng thời PGS. Trương Thị Thủy cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn đối với giảng viên tham gia giảng dạy chương trình đào tạo chất lượng cao.

PGS.TS.Trương Thị Thủy mong muốn sẽ nhận nhiều hơn nữa các ý kiến đóng góp của các Thầy cô giáo để Học viện tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chương trình đào tạo, từ đó đào tạo ra được các thế hệ sinh viên thực sự có chất lượng cao để đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

PGS. TS. Trương Thị Thủy- Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu ý kiến

Sau hơn 03 giờ làm việc khẩn trương, Hội thảo khoa học giáo viên với chủ đề “Chương trình đào tạo chất lượng cao các chuyên ngành của Khoa Tài chính doanh nghiệp – Thực trạng và giải pháp” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hội thảo đã có 6 bài tham luận với 8 ý kiến phát biểu trực tiếp đầy tâm huyết, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện chương trình và hoạt động triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao các chuyên ngành của Khoa TCDN. Đến thời điểm này, với 01 khóa sinh viên chương trình đào tạo chất lượng cao đã ra trường và hiện đang có hơn 700 sinh viên chất lượng cao đang được đào tạo tại Khoa TCDN của 2 chuyên ngành TCDN và Phân tích Tài chính, hy vọng với HTKH lần này, Khoa và Học viện sẽ có những điều chỉnh cần thiết để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình đào tạo chất lượng cao các chuyên ngành của Khoa TCDN. Đó chính là sự kỳ vọng và cam kết của toàn thể CBVC của Khoa TCDN đối với chương trình đào tạo chất lượng cao mà Khoa TCDN đang được Học viện Tài chính giao triển khai thực hiện./.

Lãnh đạo Học viện, Ban, Khoa, đơn vị chức năng và các Thầy cô giáo  tham dự hội thảo chụp ảnh kỷ niệm

 

Ban chủ nhiệm Khoa TCDN

 

Số lần đọc: 51