HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Hoạt động NCKH của giảng viên
Thứ tư, 28/12/2022 - 15:34

Hội thảo khoa học giáo viên Khoa TCDN với chủ đề “Tài chính trong điều kiện kinh tế số”

   Hoà chung bầu không khí cuối năm đang cận kề, chiều ngày 22/12/2022 tại Phòng họp A1 – Học viện Tài chính, Khoa Tài chính doanh nghiệp long trọng tổ chức Hội thảo Khoa học Giáo viên với chủ đề “Tài chính trong điều kiện kinh tế số”.

Tham dự Hội thảo, về phía các Ban, Khoa trong Học viện có sự hiện diện của: PGS.TS. Ngô Thanh Hoàng – Trưởng Ban Quản lý Khoa học.

PGS.TS. Vũ Văn Ninh và PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh Chủ trì hội thảo khoa học giáo viên

Về phía Ban chủ nhiệm Khoa và lãnh đạo các Bộ môn trong khoa TCDN có: PGS.TS. Vũ Văn Ninh – Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa Tài chính doanh nghiệp; PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh - Phó trưởng khoa TCDN, Trưởng bộ môn TCDN; TS. Nguyễn Thị Thanh - Phó trưởng khoa TCDN, Trưởng bộ môn Phân tích tài chính; PGS. TS. Nguyễn Hồ Phi Hà - Trưởng bộ môn Định giá Tài sản cùng toàn thể các giảng viên Khoa TCDN.

Sau phát biểu đề dẫn Hội thảo của PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh - Phó Trưởng Khoa TCDN, Trưởng Bộ môn TCDN, Hội thảo chính thức bắt đầu với các bài tham luận của các nhóm nghiên cứu đến từ cả 03 Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, Phân tích Tài chính, Thẩm định giá & Kinh doanh bất động sản.

PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh, Phó Trưởng Khoa TCDN, Trưởng Bộ môn TCDN phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Mở đầu là bài tham luận “Vai trò của chuyển đổi số và các công nghệ mới trong quản trị tài chính doanh nghiệp” của TS. Hồ Quỳnh Anh, ThS. Hoàng Mỹ Linh - Bộ môn TCDN. Song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin trong thế giới hiện đại sẽ đem tới những hệ quả mang tính xây dựng đối với xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp, quản lý tài chính phải đối mặt với những rủi ro, thách thức mới đến từ việc triển khai trí tuệ nhân tạo hoặc hệ thống kỹ thuật số. Thế giới thay đổi ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, mang những ý nghĩa và kỹ thuật khác nhau. Chúng ta đang nghe về sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo trong mọi lĩnh vực kinh tế và nó đã là một phần của cuộc sống hàng ngày của chúng ta, theo cách này hay cách khác. Nghiên cứu trình bày cách công nghệ số có thể kết hợp vào việc quản lý thông tin tài chính doanh nghiệp, giúp tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số về tài chính và kế toán, đồng thời nó có thể tạo ra một môi trường kinh doanh và kinh tế an toàn hơn, giảm thiểu sai sót của con người.

ThS. Hoàng Mỹ Linh trình bày thuyết trình với chủ đề “Vai trò của chuyển đổi số và các công nghệ mới trong quản trị tài chính doanh nghiệp”

Tiếp theo, nhóm tác giả TS. Phạm Thị Vân Anh, TS. Hồ Quỳnh Anh, TS. Phạm Minh Đức,  TS. Nguyễn Thị Bảo Hiền – Bộ môn TCDN đã trình bày bài viết “Chuyển đổi số - Giải pháp then chốt gia tăng sức chống chịu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh kinh tế bất ổn”. Bài thuyết trình làm rõ tác động của đại dịch Covid – 19 đến hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, những hành động ứng phó của các doanh nghiệp này trong đại dịch. Kết quả nghiên cứu cho thấy hơn 80% các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam lựa chọn chuyển đổi sang nền tảng số để tiếp tục tồn tại trong đại dịch. Chuyển đổi số toàn diện nền kinh tế sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các SME, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ với đội ngũ quản lý của  doanh nghiệp này. Các SME cần xây dựng lộ trình chi tiết để chuyển từ “doing digital” sang “being digital”.

TS. TS.Phạm Thị Vân Anh – Phó Trưởng Bộ môn TCDN thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu

Với sự tự tin của mình, PGS. TS. Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Thị Hồng Hoa – CTCP Misa với bài thuyết trình “Chuyển đổi số trong tài chính doanh nghiệp - Thực trạng và những vấn đề đặt ra” đã chỉ ra việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong tài chính doanh nghiệp hiện nay là vấn đề cấp bách, được đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển như vũ bão của công nghệ số toàn cầu. Đây là một thách thức đặt ra đối với tất cả các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hiện nay cũng đều đang nỗ lực hưởng ứng chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên con số thực tế ứng dụng và ứng dụng thành công chưa nhiều. Điều này xuất phát từ tư duy, từ chi phí quá lớn, từ con người,...

PGS. TS. Nguyễn Thị Hà – Phó trưởng BM TCDN trình bày tham luận tại Hội thảo

Sau đó, TS. Bạch Thị Thu Hường với bài thuyết trình “Chuyển đổi số trong lĩnh vực phân tích tài chính – Cơ hội và thách thức” đã trao đổi một số ý kiến về các vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các môn học chuyên ngành thẩm định giá và kinh doanh bất động sản. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường lao động và để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thẩm định giá và kinh doanh bất động sản thì việc rà soát và chỉnh sửa chương trình đào tạo, nhất là đối với các môn học chuyên ngành càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

 TS.Bạch Thị Thu Hường – GV Bộ môn PTTC tham luận tại Hội thảo

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số ngày càng phổ biến trong đời sống xã hội. Các doanh nghiệp trên toàn thế giới từ bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, sản xuất, tài chính cho đến các đơn vị hành chính công đều tham gia vào công cuộc chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Thông qua ứng dụng công nghệ vào tất cả mọi hoạt động của doanh nghiệp (trong đó có cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản) sẽ làm thay đổi toàn diện cách thức hoạt động, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và mang lại giá trị cho khách hàng. Có thể nói chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số cũng là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Trong tham luận “Chuyển đổi số - Sự cần thiết và thách thức đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản Việt Nam”, TS. Nguyễn Hồ Phi Hà, Ths. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Bộ môn ĐGTS đi nghiên cứu thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, từ đó rút ra những thời cơ, thách thức và đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát triển bền vững trong thời gian tới.

PGS. TS. Nguyễn Hồ Phi Hà với tham luận “Chuyển đổi số - Sự cần thiết và thách thức đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản Việt Nam”

Khi nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển, tài sản trí tuệ có một vị trí không nhỏ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu được chú trọng và khai thác một cách tối ưu, tài sản “vô hình” này sẽ giúp các DN tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín và khả năng cạnh tranh để từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để “định lượng” được giá trị của loại tài sản này là một bài toán không hề dễ. Trong tham luận “Thẩm định giá tài sản trí tuệ trong điều kiện kinh tế số” TS. Lâm Thị Thanh Huyền đã đưa ra một số những khó khăn thách thức trong thẩm định giá TSTT trong điều kiện kinh tế số ở Việt Nam. Một số kỹ thuật tiêu chuẩn để ước tính giá trị danh mục đầu tư và thiệt hại bằng sáng chế đang bị thiếu hụt trong nền kinh tế số ngày nay. Các cách tiếp cận mới để định giá TSTT phải được thực hiện để đáp ứng nhu cầu của môi trường kinh doanh trực tuyến hiện đại ngày nay.

TS.Lâm Thị Thanh Huyền – GV BM ĐGTS trình bày tham luận tại Hội thảo

Cuối cùng, tham luận “Một số giải pháp phát triển dịch vụ thẩm định giá giai đoạn 2021-2030” do TS. Vũ Thị Lan Nhung trình bày đã đề xuất một số giải pháp để dịch vụ thẩm định giá có thể phát triển lành mạnh, đúng hướng, đạt được các mục tiêu đề ra, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội trong điều kiện kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ hiện nay như tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá, phát triển đội ngũ thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá, tái bản và chuyển hoá bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng về thẩm định giá; ban hành sổ tay hướng dẫn thực hành thẩm định giá theo tài sản, tiếp tục nâng cao cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá; cũng như nâng cao vai trò của hoạt động thẩm định giá của nhà nước, đẩy mạnh việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.

TS. Vũ Lan Nhung – GV BM ĐGTS trình bày tham luận tại hội thảo

Các bài tham luận đều nhận được sự nhất trí và đồng tình từ tập thể giảng viên có mặt trong buổi Hội thảo khi đề cập đầy đủ, đánh giá chi tiết về thực trạng cũng như đề xuất các giải pháp rất hữu ích, sát với thực tiễn. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi từ các giảng viên, bổ sung nhiều góc nhìn mới liên quan đến chủ đề thảo luận.

 

PGS.TS.Đoàn Hương Quỳnh phát biểu ý kiến tại Hội thảo

TS. Nguyễn Thị Thanh phát biểu ý kiến tại Hội thảo khoa học của Khoa

Sau hơn 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo khoa học của Khoa kết thúc trong bầu không khí sôi nổi từ tập thể giảng viên trong Khoa với nhiều ý kiến trao đổi thiết thực và có giá trị. Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, đem đến những góc nhìn và đóng góp có giá trị trong việc làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận và thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính; từ đó, đề xuất - kiến nghị những giải pháp hữu ích cho Chính phủ, các cơ quan hữu quan trong việc nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.

Đây chính là hoạt động hữu ich để hướng tới chào mừng Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phá triển Học viện Tài chính.

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:

PGS.TS. Bùi Văn Vần phát biểu ý kiến tại HTKH

 TS.Trần Thị Thanh Hà – Phó TBM ĐGTS phát biểu ý kiến tại Hội thảo

PGS. TS. Ngô Thanh Hoàng – Trưởng Ban QLKH phát biểu ý kiến

PGS. TS. Nghiêm Thị Thà phát biểu ý kiến tại HT

TS.Nguyễn Hữu Tân – GV BM PTTC phát biểu ý kiến tại HTKH

ThS. Lê Hải Anh – GV BM PTTC phát biểu ý kiến tại HT

Các đại biểu và Thầy cô giáo của Khoa chụp ảnh lưu niệm

 
Ban chủ nhiệm Khoa   
Số lần đọc: 313